Hai gia đình ‘kêu cứu’ về việc con cái ở tuổi vị thành niên bị 'nhóm buôn người dụ dỗ' đưa sang Lào

 

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
RFA | 2023.08.25

Hai gia đình ở thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, miền Nam Việt Nam, vừa lên tiếng hôm 25/8/2023 với Đài Châu Á Tự Do phản ánh  việc con cái của họ ‘bị một nhóm buôn người’ đưa sang Lào và có thể đang trên đường tới Myanmar hoặc Trung Quốc.

Hai trong số nhóm nạn nhân, mà có thể có ít nhất từ 5-9 người, theo các gia đình nạn nhân cho RFA biết, có danh tính là Trịnh Khánh Hoàng Anh (17 tuổi) và Lê Thị Tường Vy (15 tuổi). Hoàng Anh và Tường Vy được cho biết đã bị một nhóm người hứa hẹn đưa ra khỏi Phú Quốc đến chỗ có thể có việc làm, qua đó họ có thể giúp đỡ gia đình vốn có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Trịnh Hữu Phước, cha của Trịnh Khánh Hoàng Anh, từ Phú Quốc nói với Đài Á Châu Tự Do hôm thứ Sáu:

“Con của tôi trước đây cũng ở nhà, năm ngày trước, tức là ngày 20/8 đã cùng một ‘đám bạn’ ra đi, nói là qua Hà Tiên để tìm việc làm, nhưng không ngờ đi cùng với ‘đám bạn’ lên xe và không biết tình hình như thế nào mà bây giờ đã đi đến đất nước Lào và chuẩn bị sang tới Myanmar. Trong khi đó, tôi cũng nghe cháu trên đường đi đưa tin nhắn về nói là cầu cứu, không muốn đi, nhưng ‘đám bạn’ không cho về.”

Ông Phước cho biết tiếp:

“Bạn của mấy đứa, con tôi quen từ khi nào thì tôi cũng không rành, vì nó đã hẹn ở đâu đó trước, sẵn ở bên đó rồi. Nó đã có đường dây như thế nào đó để mà đi, vì cháu mới có 17 tuổi mà chỉ có giấy căn cước thôi, chứ không có hộ chiếu passport, tại sao đi qua bên đó được, thì gia đình cũng đang rất hoang mang. Tôi nghĩ là trong vấn đề này có một sự dụ dỗ để lôi kéo những em trẻ dưới tuổi thành niên đi vào những công việc như thế, vì mấy cháu cũng chưa đủ tuổi trưởng thành.”

Cũng từ Phú Quốc, hôm 25/8, bà Lê Thị Trúc Ly, dì ruột của Lê Thị Tường Vy phản ánh với RFA về tình hình của cháu bà, người được cho là bị nhóm buôn người đưa đi khỏi Kiên Giang và cùng hiện diện tại Lào cùng thời điểm với trường hợp của nam thanh niên Trịnh Khánh Hoàng Anh nói trên:

“Tường Vy đi từ bốn, năm ngày trước, gia đình ở An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang. Khi đi Tường Vy không nói gì hết, chỉ nói là bạn rủ đi Trung Quốc ba ngày trước đó, ba ngày đó chị tôi ở nhà cũng giữ cháu rất dữ luôn, khi chị tôi có việc đi ra đằng sau nhà, thì cháu chạy theo ‘nhóm bạn’ của cháu mà đi chung, cháu lên chiếc xe đó, mà chị tôi chạy theo mà không kịp, cháu lên xe đó rồi chạy đi luôn. Gia đình Tường Vy nghèo, cha mẹ đi làm mướn, Tường Vy học tới lớp 7 thì cháu nghỉ, cháu 15 tuổi, không có giấy tờ, không có chứng minh gì hết chơn.

Gia cảnh cháu bình thường, cháu cũng bán hàng trên mạng, đi vòng vòng trên đó rồi quen một số bạn trên mạng, rồi cũng qua lại này nọ, kéo nhau, rủ nhau đi theo một bạn gì mà nói là đi Trung Quốc… Cháu nhắn tin cho tôi nói là cháu qua bên đó làm rồi gửi tiền về cho cha mẹ. Hồi hôm liên lạc với cháu, thì cháu nhắn tin là tới Lào, cháu nói với mẹ cháu là cháu đi một chuyến thì sẽ tới Trung Quốc. Tường Vy đi cùng nhóm với Hoàng Anh, cháu kể lại là đi tới 6-7 người, sau đó nói là đi gần tới Thái Lan là chia ra hai đội, mấy bạn nữ là qua một xe bên kia, rồi ba bạn nam với một bạn nữ đi một chiếc xe bên đây, chia hai nhóm.”

Ông Trịnh Hữu Phước nói với RFA là gia đình đã trình báo sự việc lên công an địa phương, ông nói:

“Gia đình bên nội cũng đến với Công an Phường cũng như là cơ quan Công an ở nơi mình sinh sống để trình bày với chính quyền, nhưng trong tình hình mà mình khai báo, chính quyền ở nơi đây nói là không đủ thẩm quyền để giải quyết vụ việc này, và chỉ gia đình chúng tôi qua bên Rạch Giá, nơi Công an Tỉnh, để làm hồ sơ khởi tố, trình báo lên, chứ bên Phú Quốc, Công an Thành phố Phú Quốc có nói rằng ‘chúng tôi ở đây không đủ thẩm quyền’ để mà giải quyết vụ việc này.”

Về trường hợp của Lê Thị Tường Vy và việc trình báo với chính quyền, người dì ruột của Tường Vy nói với RFA:

“Trình báo với Công an Phú Quốc, họ nói đưa tin nhắn của Tường Vy cho coi, phải chi là bắt cóc hay gì đó thì người ta vào cuộc, hay này nọ, còn cái này em nó ‘đòi’ đi làm, em nó ‘tự động’ đi làm, nên người ta cũng khó điều tra hay này nọ. Gia đình của chị tôi cũng nghèo khó, đi làm mướn kiếm ăn thôi, nên Tường Vy mới định đi làm để giúp đỡ gia đình, gia đình cũng chỉ ở nhà, bây giờ chạy lên báo công an vậy thôi, chứ không biết kế hoạch làm sao hết chơn. Các băng nhóm mà làm hồi nào đến giờ thì tôi cũng không hay, nhưng nghe cháu Tường Vy nhắn tin là nhiều người Việt Nam bên đây đi qua bên đó rồi, thì cháu mới đi theo.”

RFA Tiếng Việt đã liên lạc trực tiếp cùng ngày 25/8, sau khi trao đổi gia đình hai trường hợp trên, với Công an Phú Quốc đề nghị xác minh sự việc, tìm hiểu liệu cơ quan công an và chính quyền có thể giúp đỡ ra sao các trường hợp trên, đồng thời tìm hiểu về tình hình nạn ‘buôn người’, nếu có ở địa phương ra sao, thì được một sỹ quan trực ban tiếp máy trả lời:

Họ ở Phú Quốc thì bảo họ lên trực ban hình sự Công an thành phố Phú Quốc trình báo ở đường 257 đường 30/4, ở đó người ta tiếp nhận thì sẽ xử lý bước đầu. Còn cái này (tình hình nạn buôn người, nếu có, ở địa phương) không trả lời (cho phóng viên) được, chúng tôi cung cấp địa chỉ của cơ quan điều tra, thí dụ họ có vụ việc gì, thì họ lên trên cơ quan đó trình báo.”

Đài Á Châu Tự Do cũng đã liên lạc qua thư điện tử tới đại diện cơ quan ngoại giao của Cộng hòa DCND Lào để đề nghị cơ quan ngoại giao của Lào cho biết phản ứng của chính phủ Lào đối với sự việc nghi là liên quan tới ‘nạn buôn người’ có tính chất xuyên biên giới này, nhưng hiện chưa nhận được hồi âm.

Truyền thông chính thống của Việt Nam cho hay, các vụ buôn người trái phép, trong đó có buôn bán phụ nữ trái phép qua biên giới, đã từng xảy ra từ lâu tại Kiên Giang. Trong một vụ việc riêng rẽ, cuối tháng 12/2006, theo trang mạng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Kiên Giang đã phá vỡ một đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới, giải cứu được ba nạn nhân là phụ nữ, mà bị đường dây được cho là có kế hoạch đưa sang Campuchia, qua ngả An Giang, đẩy vào hoạt động ‘bán dâm’ ép buộc.

Còn mới đây, tạp chí Hải Quan Online, cơ quan truyền thông của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong một bài viết đăng ngày 20/8/2023 cho hay tội phạm mua bán người hoạt động ngày càng tinh vi: “Tội phạm mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng, nhất là trong nội địa, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, đặc biệt là các nạn nhân.”

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]