Chuyến thăm của TT Biden tới Hà Nội: Hy vọng cải thiện bang giao nhưng hoài nghi về nhân quyền

 

RFA | 2023.08.31

Giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội ở Việt Nam bày tỏ sự hân hoan về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Hà Nội vào đầu tháng 9 này, coi đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ nói riêng và phương Tây nói chung.

Tuy nhiên, một số người tỏ ra dè dặt, thậm chí hoài nghi về tác động của sự kiện này lên tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.

Theo công bố của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tổng thống Joe Biden sẽ đến Hà Nội vào ngày 10/9 và rời đi sau đó một ngày. Trong thời gian ở Hà Nội, ông sẽ gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một số lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam để bàn về việc tăng cường quan hệ song phương trong một loạt những vấn đề từ công nghệ, kinh tế đến tình hình ổn định trong khu vực và biến đổi khí hậu.

Giới hoạt động kỳ vọng về tăng cường quan hệ song phương

Trần Hoàng Phúc, người mới mãn hạn tù sáu năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” vì hoạt động cổ suý nhân quyền và dân chủ, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 31/8:

Tôi kỳ vọng trong chuyến đi này của ông Biden, quan hệ Việt Nam–Hoa Kỳ sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Cụ thể trong chuyến đi này, ông Biden và ông Phú Trọng sẽ vạch ra những bước tiến cụ thể trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là ở các lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh.

Sự chủ động của Việt Nam là bước đi quan trọng trong việc cân bằng quan hệ, tránh sự lệ thuộc vào mối quan hệ với Trung Quốc vốn tiềm ẩn nhiều vấn đề.”

Trần Hoàng Phúc, người từng là thành viên của tổ chức Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI – Young South East Asia Leaders Initiative) và được chọn là một trong những gương mặt trẻ được gặp Tổng thống Barack Obama khi ông tới thăm Hà Nội năm 2016, cho rằng việc hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong thời điểm khó khăn kinh tế hiện nay rất có lợi cho người dân Việt Nam, không chỉ giải quyết các vấn đề trước mắt Việt Nam đang gặp phải mà còn mở ra một bức tranh kinh tế-công nghệ tươi sáng hơn cho Việt Nam với sự trợ giúp to lớn của đối tác Hoa Kỳ so với khi lựa chọn hợp tác với Trung Quốc.

Một cựu tù nhân lương tâm khác, Huỳnh Thị Tố Nga, người mãn hạn tù cuối tháng ba vừa qua, cho biết cô cũng như tất cả người dân Việt Nam mong muốn đất nước sẽ được cải thiện bởi bối cảnh quốc tế đang tác động một cách mạnh mẽ vào sự thay đổi của một quốc gia.

Chúng tôi mong muốn một đất nước tự do, phát triển và nhân văn, quyền công dân được thực thi một cách tôn trọng và minh bạch. Nhân quyền được đề cao và được thực hiện một cách triệt để.”

Theo cô, nếu Việt Nam đạt được thỏa thuận song phương toàn diện với Hoa Kỳ, sẽ giúp ích rất nhiều cho sự ổn định và phát triển sắp tới. Muốn làm được điều đó, ban lãnh đạo Việt Nam phải thật sự có thiện chí và cam kết thực hiện các thỏa thuận một cách minh bạch. Bên cạnh đó, Việt Nam phải hợp tác giải quyết về vấn đề nhân quyền đang bị bóp nghẹt ở quốc nội.

Cô cũng cho rằng Việt Nam khó có sự thay đổi lớn sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ nếu như ban lãnh đạo ở Hà Nội vẫn bảo thủ và không chịu thay đổi quan điểm dưới nhiều sức ép và nghiêng về sự tính toán lợi ích có chủ đích.

Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập trở lại quan hệ ngoại giao vào năm 1995 và nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác toàn diện” vào năm 2013.

Trong chuyến thăm sắp tới của ông Biden, hai nước có thể nâng cấp lên “đối tác chiến lược” hoặc “đối tác chiến lược toàn diện.” Việt Nam hiện đã thiết lập “đối tác chiến lược toàn diện” với Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, và mức quan hệ thấp hơn với nhiều quốc gia, trong đó có Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia ở Châu Âu.

Cựu giáo chức Trần Thị Thảo ở Hà Nội bày tỏ mong muốn hai quốc gia sẽ ký thoả thuận nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” trong chuyến thăm của ông Biden tới đây và quan hệ song phương mang tính thực chất, ổn định, và lâu dài.

Nếu thế, Việt Nam sẽ được hưởng lợi về nhiều mặt trong các lĩnh vực như an ninh, công nghệ, hàng xuất khẩu nông sản, may mặc, ...vào Mỹ. Tất nhiên đó là quan hệ hai chiều nhưng Việt Nam có lợi nhiều hơn khi có quan hệ sâu và rộng với một cường quốc đứng đầu thế giới,” bà nói.

Tuy mong muốn là vậy nhưng kỳ vọng của bà vào chuyến thăm không nhiều vì bà cho rằng “đường lối của Việt Nam tuy có tiến bộ và cởi mở hơn nhưng vẫn bảo thủ trì trệ và đặc biệt là vấn nạn tham nhũng trong hàng ngũ đảng viên ngày càng nhiều, tinh vi và phức tạp.”

Còn một khó khăn nữa, đó là nước Mỹ ở xa mà Trung Hoa lại gần, mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đi theo mô hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bà nhấn mạnh.

Một nhà hoạt động môi trường và nhân quyền ở Hà Nội cũng bày tỏ kỳ vọng trong chuyến thăm này, hai quốc gia sẽ đạt được nhiều thoả thuận nhằm tạo ra các bước đột phá vững chắc cho sự phát triển lâu dài giữa bên. Vấn đề phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, nhân quyền, môi trường,.....tại Việt Nam sẽ được hỗ trợ và củng cố tốt hơn.

Tôi là một nhà hoạt động bảo vệ môi trường nên tôi đặc biệt kỳ vọng vào sự kiện lần này sẽ thúc đẩy những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường tự nhiên được bảo vệ thực sự tại Việt Nam,” người này nói trong điều kiện ẩn danh.

Hy vọng và hoài nghi về khả năng Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền

Bên cạnh hy vọng về tác động của Hoa Kỳ lên sự phát triển của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, giới hoạt động trong nước cũng trông đợi về việc Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền dưới sức ép của Hoa Kỳ dù vẫn còn nhiều hoài nghi.

Cựu tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc nói về tác động của chuyến thăm cũng như việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ lên hồ sơ nhân quyền của Việt Nam:

Về ngắn hạn, có thể sẽ không có những chuyển biến mang tính rõ nét và có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, về dài hạn, việc hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ sẽ đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với nền dân chủ phương Tây, chính quyền Hà Nội sẽ có những bước đi phù hợp hơn để cải cách chính sách của họ về quyền con người để phù hợp với bối cảnh kinh tế mới.”

Theo người thanh niên này, trong tương lai, “Việt Nam không nằm ngoài vòng quay của thế giới văn minh tiến bộ, hướng tới xã hội nhân bản và thực thi trọn vẹn giá trị nhân quyền phổ quát.”

Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga cho rằng nhân quyền là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu, bởi vì tình trạng nhân quyền ở Việt Nam đang rất tệ hại. Trong những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam liên tục bắt bớ những người đấu tranh bất đồng chính kiến, vậy nên, vấn đề nhân quyền không còn là vấn đề nội bộ của Việt Nam mà nó đã là vấn nạn nhức nhối của thế giới.

Một trong những quốc gia lên án vấn đề này một cách mạnh mẽ chính là Hoa Kỳ, vậy nên sự kiện Tổng thống Joe Biden đến thăm Việt Nam chắc chắn phía Mỹ sẽ có những thương thuyết với Việt Nam nhằm trợ giúp những người đang hoạt động đấu tranh vì nhân quyền ở quốc gia này,” cô nói. 

Tuy nhiên, theo cô, vấn đề thương thuyết nội dung thế nào, có đạt hiệu quả hay không tùy thuộc rất lớn vào sự kiên quyết và khôn khéo của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cần có hướng xử lý nếu phía Việt Nam không giữ lời hứa trong lĩnh vực này, cô nhấn mạnh.

Một nữ hoạt động ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:

Việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ có thể tạo cơ hội để thảo luận về các vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận tại Việt Nam. Điều này có thể đặt nền tảng cho việc thúc đẩy tôn trọng tự do dân chủ và thúc đẩy sự cải thiện tự do nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.

Mặc dù tình hình thực tế rất bi quan nhưng tôi luôn hi vọng tích cực, chuyến thăm này tạo áp lực để Việt Nam xích lại gần Mỹ hơn, đồng nghĩa với việc tiến lại gần thế giới tự do dân chủ hơn là thế giới cộng sản, người anh láng giềng Trung Quốc.”

Tuy có hy vọng vào sự trợ giúp của Hoa Kỳ để Việt Nam phát triển trong nhiều lĩnh vực, nhưng nhiều người hoạt động lại bày tỏ sự hoài nghi về khả năng quan hệ song phương phát triển sẽ kéo theo sự cải thiện về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, cho dù Mỹ là một trong những quốc gia luôn cổ suý giá trị dân chủ và nhân quyền.

Theo nhà hoạt động xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh thì “việc nhích gần Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc lơi lỏng mối quan hệ với đàn anh xã hội chủ nghĩa, và chơi vơi giữa phần định hình về một nhà nước tương lai, điều này tức sẽ dẫn đến việc Hà Nội sẽ thắt chặt hơn tất cả các vấn đề về an ninh, đẩy mạnh mọi sự kiểm soát để bảo vệ sự tồn vong của chế độ.”

Người này dự đoán “một mô hình trắng về đối kháng chính trị tương tự như Singapore sẽ ngày càng rõ hơn” ở Việt Nam.

Tuy hy vọng vào chuyến thăm, cựu giáo chức Trần Thị Thảo cho rằng sau chuyến thăm của ông Biden, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam vẫn thế: vẫn có bắt bớ và sau đó là những bản án nặng nề cho những người yêu nước- những người nói ra sự thật hay có các hoạt động phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Tôi tin Tổng thống Mỹ sẽ nói với Hà Nội về nhân quyền trong chuyến thăm này, nhưng Việt Nam có cách phản biện của họ như lâu nay họ vẫn làm. Mỹ quan tâm đến nhiều vấn đề khác hơn nhân quyền nên Việt Nam vẫn vi phạm quyền con người,” bà nói.

Cựu trung tá tình báo quân đội Vũ Minh Trí cho biết ông không có hy vọng gì từ chuyến thăm Hà Nội sắp tới của ông Biden. Ông cho rằng “thứ mà hai bên cùng đạt được chỉ là một chút son phấn rẻ tiền, không hơn.

Tôi không kì vọng, mong mỏi gì ở chuyến thăm và sự nâng cấp quan hệ này vì thấy rất rõ một bên không thật lòng, thậm chí còn rất lươn lẹo, tráo trở.

Về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, phiên toà phúc thẩm ông kĩ sư Trần Bang (bị giữ nguyên mức án 8 năm tù giam và ba năm quản chế- PV) vừa mới diễn ra là câu trả lời trực tiếp, sinh động,” ông nói trong tin nhắn.

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]