Công an cáo buộc 11 lao động bị sa thải đã kích động 5.000 công nhân Viet Glory đình công

 

RFA | 2023.10.20

 

Mười một lao động được nói liên quan đến vụ hơn 5.000 công nhân tại Công ty TNHH Viet Glory ở Nghệ An ngừng việc tập thể từ ngày 2 đến ngày 8/10, đã bị sa thải và bị công an triệu tập. 

Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 20/10, dẫn nguyên nhân 11 lao động bị sa thải là do vi phạm kỷ luật, kích động lôi kéo công nhân trên mạng xã hội tham gia ngừng việc. 

Trong số 11 người bị sa thải, có sáu người ở huyện Quỳnh Lưu, hai người quê huyện Yên Thành và ba người quê huyện Diễn Châu. Cả 11 người đã bị Công an huyện Diễn Châu mời lên làm việc. 

Tờ Lao động cho biết đến ngày 9/10, gần như 100% công nhân tại Viet Glory đã trở lại làm việc. 

Vụ ngừng việc tập thể diễn ra từ ngày 2/10 sau giờ làm việc buổi chiều và kéo dài đến hết ngày 8/10. Các công nhân cho biết họ ngừng việc để yêu cầu công ty tăng lương, tăng tiền trợ cấp xăng xe và độc hại… 

Vào ngày 6/10, tỉnh uỷ Nghệ An đã vào cuộc, chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, hiệu quả vụ việc đình công tại Viet Glory để không xảy ra hiện tượng ngừng việc lây lan, kéo dài hoặc phát sinh điểm phức tạp về an ninh, trật tự. 

Sau khi tỉnh uỷ vào cuộc, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Nghệ An đã phối hợp LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu tuyên truyền vận động công nhân trở lại làm việc. 

Công ty TNHH Viet Glory chuyên sản xuất, gia công giày dép có vốn đầu tư 100% từ Đài Loan - đóng ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An, được thành lập hồi tháng 11/2019. 

Trong năm 2022, hàng ngàn công nhân tại Viet Glory đã từng ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi. Một công nhân không muốn nêu tên vì lý do an toàn từng nói với RFA rằng vụ đình công được nhiều người ủng hộ nên tạo động lực cho công nhân ở các nơi khác mạnh dạn lên tiếng. Đồng thời nhiều công nhân cũng xác nhận “công đoàn có cũng như không”. 

Gần như các cuộc đình công ở Việt Nam từ trước đến nay đều là tự phát, không phải được lãnh đạo bởi các cấp Công đoàn (tức đại diện của Tổng Lao động Việt Nam tại cơ sở). 

Tiến sỹ Trịnh Khánh Ly, từng công tác tại TLĐLĐVN & tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội, cho RFA biết hôm cuối tháng 5/2023 về việc bao giờ công đoàn cơ sở là tiếng nói của người lao động, đưa ra nhận xét rằng việc Quốc hội VN phải thông qua Bộ Luật lao động mới năm 2019 với nhiều cải cách đáng ghi nhận. 

“Đây là một điểm mới thể hiện cam kết của Việt Nam trong lộ trình sửa đổi pháp luật để phù hợp với các nghĩa vụ theo quy định tại các Công ước và Hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, bao gồm Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)…”. 

Thế nhưng vẫn theo bà Khánh Ly Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục sửa đổi các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Hình sự; Luật công đoàn… để đồng bộ hóa việc thừa nhận tổ chức đại diện của người lao động độc lập với Công đoàn hiện nay. 

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]