Gia đình TNLT Trịnh Bá Phương gửi đơn tố cáo Trại giam An Điềm đánh đập, cùm chân

 

RFA | 2023.10.31

Hơn một tháng sau khi Trại giam An Điềm đánh đập và cùm chân tù nhân lương tâm (TNLT) Trịnh Bá Phương, gia đình ông làm đơn tố cáo gửi Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Nam với yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc.

Theo gia đình, ông Trịnh Bá Phương, người đang thi hành án tù mười năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước" bị Trại giam An Điềm đánh đập vào ngày 09/9 vừa qua khi ông cùng hai bạn tù khác Trương Văn Dũng và Phan Công Hải cầm biểu ngữ phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo.

Liền sau đó, cả ba người bị công an đánh đập, hai ông Phương và Hải còn bị đưa vào buồng kỷ luật biệt giam và bị cùm chân trong mười ngày.

Sau khi nhận được thông tin từ ông Phương trong buổi thăm gặp ngày 12/10 và cuộc gọi qua điện thoại gần đây, hai người thân trong gia đình trong ngày 30/10 làm đơn tố cáo gửi cơ quan kiểm sát cao nhất của tỉnh Quảng Nam với yêu cầu điều tra và xác minh việc giám thị và quản giáo Trại giam An Điềm đã đối xử với ông trong thời gian giữa tháng 9.

Bà Trịnh Thị Thảo, em gái ông Phương nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về nội dung đơn tố cáo:

Nội dung đơn của chúng tôi gửi đến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An điều tra xác minh và xử lý theo đúng pháp luật việc Trại giam An Điền nơi giam giữ anh tôi Trịnh Bá Phương đánh đập kỷ luật cùm chân anh Phương tôi 10 ngày.”

Bà cho biết thêm dù gia đình không trông đợi nhiều về khả năng Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Nam điều tra sự việc vì các cơ quan nhà nước thường bao che cho nhau nhưng gia đình vẫn muốn đưa vấn đề này ra công luận. Bà lý giải:

Chúng tôi làm đơn này để cho công luận biết vụ việc Trại giam An điểm đã đánh anh Trịnh Bá Phương thôi còn việc nhà cầm quyền giải quyết thì chúng tôi không trông đợi gì.”

Bà cho biết thêm vào cuối tháng 9 năm ngoái, người em út của gia đình, ông Trịnh Bá Tư đã bị quản giáo Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An) đánh đập và gia đình cũng làm đơn tố cáo đến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An với yêu cầu điều tra nhưng sau một thời gian, cơ quan này có mời gia đình đến và phủ nhận sự việc xảy ra.

Trong đơn tố cáo lần này, hai người phụ nữ cho rằng bằng việc đánh đập và cùm chân ông Phương, Trại giam An Điềm đã vi phạm Điều 5 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp quốc và Điều 7 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

Thêm nữa, việc đánh đập và đối xử vô nhân đạo của cơ sở giam giữ này vi phạm Công ước chống tra tấn mà Việt Nam đã ký ngày 07/11/2013 và Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn công ước vào ngày 28/11/2014.

Luật sư Hà Huy Sơn của Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết Viện Kiểm sát có chức năng giám sát việc thi hành án hình sự, và trong trường hợp nhận được đơn tố cáo, cơ quan này có nghĩa vụ điều tra và xác minh sự việc.

Theo Điều 4 của Luật thi hành án hình sự thì cơ sở giam giữ có nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án.

Điều 10 nghiêm cấm cơ sở giam giữ trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người có trách nhiệm thi hành án hình sự; không được tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án.

Tuy nhiên, Điều 43 của luật này nói tù nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ tù nhân hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, hoặc giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày.

Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, tù nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân.

Việc ông Phương bị đánh đập và cùm chân ở Trại giam An Điềm nhận được sự quan tâm của quốc tế.

Ngày 25/10 vừa qua, Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền (Đài Quan sát), một liên minh của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) lên án Chính phủ Việt Nam trong việc đối xử tàn nhẫn vừa qua với ông cũng như đối xử vô nhân đạo đối với mẹ và em trai của ông là bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư, cùng bị bắt giam tùy tiện từ năm 2020.

Trong thỉnh nguyện thư, Đài Quan sát yêu cầu Chính phủ Việt Nam chấm dứt mọi biện pháp trừng phạt đối với ba nhà hoạt động bảo vệ quyền đất đai, trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện.

Liên minh nhân quyền này cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế viết thư cho các cơ quan chính phủ của Việt Nam và cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để yêu cầu trả tự do cho ba mẹ con bà Thêu cùng các tù nhân lương tâm khác.

 

 

Trở lại trang chính


[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]