Freedom House: Chính quyền Việt Nam kiểm soát chuyên chế đối với quyền tự do đi lại
RFA | 2024.08.23 Theo báo cáo mới nhất của Freedom House, Việt Nam nằm trong số 55 quốc gia mà nhà chức trách tuỳ tiện hạn chế quyền đi lại của công dân, đặc biệt là người thuộc giới bảo vệ nhân quyền và bất đồng chính kiến. Trong báo cáo tựa đề “No Way In or Out: Authoritarian Controls on the Freedom of Movement” (tạm dịch: Không được vào hoặc ra: Kiểm soát chuyên chế đối với quyền tự do đi lại), tổ chức nhân quyền này xếp Việt Nam vào khu vực màu đỏ cùng với 54 quốc gia khác - đồng nghĩa với việc chính quyền áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế quyền tự do đi lại nhằm trừng phạt, cưỡng ép hoặc kiểm soát những người mà họ coi là mối đe dọa hoặc đối thủ chính trị. Theo tổ chức xã hội dân sự có trụ sở tại Mỹ, các chính thể toàn trị thường áp dụng bốn biện pháp chính để hạn chế việc đi lại của một nhóm người cụ thể, đó là tước bỏ tư cách công dân, không cấp giấy tờ cho việc đi lại (hộ chiếu), không cấp dịch vụ lãnh sự, và cấm xuất/nhập cảnh. Từ chối cấp hộ chiếu Freedom House nói chính phủ ở mỗi quốc gia chịu trách nhiệm cấp hộ chiếu và các giấy tờ đi lại khác cho công dân. Ở những nước độc tài, nhà chức trách từ chối cấp hộ chiếu cho những người bất đồng chính kiến như là một phương pháp trực tiếp để kiểm soát những người bị coi là đối thủ chính trị. Nếu không có hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại hợp lệ, cá nhân không thể rời khỏi quốc gia của họ hoặc đi đến nước khác và có thể phải đối mặt với các trở ngại khác về nhập cư và tài chính. Theo tổ chức nhân quyền có trụ sở ở thủ đô Washington, biện pháp từ chối cấp hộ chiếu hoặc tịch thu hộ chiếu được áp dụng bởi 38 quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng là một quốc gia áp dụng chiến thuật này để đàn áp người bất đồng chính kiến và người hoạt động nhân quyền. Như RFA đã đưa tin, sau khi hoàn thành án tù về tội danh “xúc phạm quốc kỳ,” bà Huỳnh Thục Vy ngày 6/6 vừa qua đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Đắk Lắk để làm thủ tục xin cấp hộ chiếu mới do hộ chiếu của bà bị an ninh cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất tịch thu hồi năm 2015 khi chuẩn bị sang Bangkok. Tuy nhiên, công an tỉnh Đắk Lắk từ chối cấp hộ chiếu mới cho bà với lý do bà vẫn còn đang ở diện bị hoãn xuất cảnh vô thời hạn vì lý do “an ninh quốc gia” nhưng không đưa ra bất kỳ văn bản nào. Cũng trong tháng 6 vừa qua, nhà hoạt động Triệu Siêu đã bị Cục Quản lý xuất nhập cảnh và Công an tỉnh Sóc Trăng từ chối cấp hộ chiếu. Nhà hoạt động về quyền của người Khmer Krom bị cấm xuất cảnh từ tháng 8/2023 đến tháng 8/2026 và không được cấp hộ chiếu cho đến khi được đưa ra khỏi danh sách cấm xuất cảnh của Bộ Công an. Ông bị cấm xuất cảnh là “do các hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của người Khmer địa phương” như tham gia phổ biến Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Tuyên bố của Liên Hiệp quốc về Quyền của Người bản địa cùng với nhiều nhà hoạt động nhân quyền khác. Cấm xuất cảnh/nhập cảnh Freedom House nói việc ngăn cản công dân rời khỏi hoặc trở về quốc gia của họ là hình thức kiểm soát di chuyển phổ biến nhất được ghi nhận trong điều tra của tổ chức này. Có ít nhất 40 quốc gia sử dụng chiến thuật này, không chỉ áp dụng cho những người chỉ trích chính phủ mà còn cho cả người thân của họ. Ở Việt Nam, có hai trường hợp điển hình bị cấm nhập cảnh. Đó là cô Lê Thu Hà, thành viên của Hội Anh em Dân chủ, và bà Vũ Minh Khánh, vợ của ông Nguyễn Văn Đài, người đồng sáng lập và hiện là chủ tịch của tổ chức này. Cô Hà bị kết án 9 năm tù giam về tội danh “hoạt động lật đổ chính quyền” trong cùng vụ án với ông Nguyễn Văn Đài, người bị án 15 năm tù. Sau đó, cả cô Hà và ông Đài được phóng thích vào giữa năm 2018 nhưng bị buộc phải lưu vong ở Đức. Tháng 11 cùng năm, cô Hà quay trở lại Việt Nam nhưng bị giữ lại ở sân bay Nội Bài rồi bị buộc quay trở lại Đức. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với bà Khánh khi bà định về Việt Nam thăm người thân. Chính quyền độc đảng ở Việt Nam đã thực hiện việc cấm xuất cảnh đối với hàng chục người hoạt động và cả thân nhân của họ, và phần lớn những người này chỉ được biết tình trạng bị cấm xuất cảnh khi làm thủ tục để rời Việt Nam. Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng chia sẻ với RFA trong ngày 23/8: “Tôi và nhiều người lên tiếng đấu tranh ở Việt Nam vẫn hay bị theo dõi thậm chí là bị cản trở trong việc đi lại. Có khi thì tôi bị ngăn cản ở nhà chẳng hạn như là cái hôm quốc tang của Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư của ĐCSVN- PV) vừa rồi. Những cái lần khác thì tôi biết là tôi vẫn luôn nằm trong cái tầm theo dõi của họ.” Ông cho biết vào ngày 07/5/2015, ông bị chặn lại ở sân bay Nội Bài trên đường đi sang Thái Lan. Công an không cho ông xuất cảnh, đồng thời tịch thu hộ chiếu của ông. “Sau đấy thì công an thành phố Hà Nội đã mời tôi đến, họ thông báo với tôi là hộ chiếu của tôi đã bị hủy. Họ nói rất là mơ hồ, lúc nào cũng đưa ra lý do vì an ninh quốc gia,” ông bổ sung. Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng cho RFA biết năm 2016, ông đi Lào để tham quan nhưng bị chặn. An ninh cửa khẩu thông báo ông thuộc diện bị cấm xuất cảnh, nhưng không tịch thu hộ chiếu của ông. An ninh Việt Nam không chỉ cấm người hoạt động xuất cảnh, mà áp dụng hình thức tương tự đối với thân nhân của họ. Tháng 4 vừa qua, bà Phạm Thị Lân, vợ của TNLT Nguyễn Tường Thuỵ bị cấm xuất cảnh vì “an ninh quốc gia” khi đi du lịch sang Campuchia. Sau đó bà có làm đơn khiếu nại và được phía công an trả lời lý do là hay giao lưu với một số người thuộc giới hoạt động. Truờng hợp bà Lân không phải là đơn lẻ. Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của Huỳnh Đức Thanh Bình đang chịu án tù 10 năm về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” cũng bị Công an thành phố Hồ Chí Minh từ chối đổi hộ chiếu mới cho bà với lý do "bị nằm trong danh sách bị cấm xuất cảnh." Phía công an cho cho bà xem một văn bản của Bộ Công an cấm bà xuất cảnh vô thời hạn.
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]
|