33 tổ chức kêu gọi Thủ tướng Thái Lan từ chối dẫn độ Y Quynh BDap về Việt Nam
RFA | 2024.10.18 Một lá thư chung của 33 tổ chức gửi đến Thủ tướng Thái Lan hôm 18/10 kêu gọi bảo vệ ông Y Quynh BDap khỏi nguy cơ bị dẫn độ và cho phép ông tái định cư ở một nước thứ ba. Thư ngỏ được công bố chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng về vụ việc dẫn độ nhà hoạt động người Thượng, cho rằng việc này là "phù hợp, nhằm bảo đảm mọi đối tượng phạm tội bị xử lý theo pháp luật." Các tổ chức phi chính phủ quốc gia, khu vực và quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu ông Bdap bị trục xuất như ông sẽ phải đối mặt với án tù dài hạn và có khả năng bị đối xử khắc nghiệt, bao gồm cả tra tấn, trong thời gian bị giam giữ. Ông Y Quynh Bdap, người dân tộc Ede vì bị đàn áp về tự do tôn giáo, đã đưa vợ con sang tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018. Ông được Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) cấp quy chế, và gia đình ông đang trong tiến trình định cư ở quốc gia thứ ba. Tuy nhiên, ông bị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt giữ ngày 11/6 vừa qua vì “lưu trú quá hạn” và theo yêu cầu dẫn độ của Việt Nam vốn cáo buộc ông tham gia chỉ đạo vụ tấn công vào trụ sở công quyền ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk giữa năm 2023 mà ông luôn bác bỏ. Thư ngỏ cho rằng, "Thái Lan đã thể hiện cam kết đáng ngưỡng mộ đối với người tị nạn trong nhiều thập kỷ và vì lý do đó, việc dẫn độ ông Bdap sang Việt Nam sẽ không phù hợp với danh tiếng của Thái Lan là nơi trú ẩn cho những người chạy trốn khỏi sự đàn áp và bạo lực." Các tổ chức có tên trong bức thư gồm: Ân xá Quốc tế, Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ), Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH)..., khẳng định trường hợp của ông Bdap là biểu tượng cho những vấn đề rộng lớn hơn mà người tị nạn Việt Nam phải đối mặt, hàng nghìn người trong số họ đã chạy trốn sang Thái Lan để thoát khỏi sự đàn áp vì lý do tôn giáo, sắc tộc và chính trị. Thư chung khẳng định: "Mặc dù chúng tôi cho rằng, theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả luật nhân quyền quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp chống khủng bố, chúng tôi lo ngại rằng việc dẫn độ ông Bdap sẽ tiếp thêm động lực cho những kẻ nhắm mục tiêu và trừng phạt các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa như ông Bdap." Tòa án Thái Lan hôm 30/9 ra phán quyết rằng chính phủ Thái Lan có thể buộc Y Quynh Bdap trở về Việt Nam nếu chính quyền Thái Lan cho rằng điều đó là phù hợp, bất chấp các điều khoản của Đạo luật Phòng ngừa và Chống tra tấn và Mất tích cưỡng bức cấm đưa một người trở về một quốc gia nơi họ có thể phải đối mặt với sự tra tấn hoặc bị mất tích cưỡng bức. Các luật sư người Thái của ông này cho biết ông có ý định kháng cáo quyết định đó. Trong một phiên tòa được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam, vào tháng 1 năm 2024, ông Y Quynh đã bị kết án 10 năm tù về cáo buộc "khủng bố". Andrea Giorgetta, Giám đốc Văn phòng Châu Á của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), tổ chức cũng ký tên vào thư ngỏ gửi Thủ tướng Thái Lan, viết trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 18/10: “Vụ án của Y Quynh Bdap là phép thử quan trọng đầu tiên đối với cam kết của Thái Lan đối với quyền con người sau khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc. Nếu Chính phủ Thái Lan nghiêm túc trong việc tôn trọng luật pháp quốc gia và quốc tế, họ không được dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam, nơi ông ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.” Phát ngôn nhân của tổ chức Ân xá Quốc tế nói trong tin nhắn gửi RFA ngày 18/10: "Chính quyền Việt Nam có một mô hình rõ ràng nhắm vào các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo như người Thượng theo cách tương đương với sự đàn áp. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã nói chuyện với một số người Thượng đã rời khỏi khu vực Đắk Lắk hoặc vẫn ở đó sau vụ tấn công vào tháng 6 năm 2023. Một số người mô tả rằng họ đã chạy trốn khỏi đất nước sau khi bị công an bắt giữ và tra tấn tùy tiện, thường phải vượt biên trái phép, vào ban đêm và qua rừng. Những người khác mô tả lệnh phong tỏa toàn tỉnh đã được áp dụng trong nhiều tháng đối với người Thượng bản địa. Hơn nữa, tòa án Việt Nam không độc lập. Y Quynh Bdap đã bị xét xử và bị kết tội khủng bố vắng mặt, vi phạm rõ ràng quyền được xét xử công bằng của ông. Nếu bị trả về Việt Nam, rất có khả năng ông sẽ bị tra tấn và phải chịu các điều luật chống khủng bố vốn bị lạm dụng. Thái Lan không thể gửi ông trở lại Việt Nam vì biết rằng đó là những điều ông ấy sẽ phải đối mặt."
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]
|