Việt Nam: TT Macron nên nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Sự đàn áp ở Hà Nội ngày càng khắc nghiệt mặc dù Liên Âu và Pháp đã ký kết các thỏa thuận cam kết cải cách
HRW | 2025.05.22 (Paris, ngày 22 tháng 5 năm 2025) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết hôm nay trong một bức thư gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng các thỏa thuận gần đây của Việt Nam với Liên minh Châu Âu và Pháp về việc cam kết cải cách nhân quyền đã không mang lại sự tôn trọng hơn đối với các quyền ở quốc gia này. Ông dự kiến sẽ thăm Hà Nội vào các ngày 25-27 tháng 5 năm 2025. Vào tháng 10 năm 2024 tại Paris, Tổng thống Macron và Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã ký Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện Pháp-Việt và một tuyên bố chung nhấn mạnh các cam kết của cả hai nước đối với Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm, đáng chú ý là, "tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản". Tuyên bố này đã tham chiếu đến Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu -Việt Nam năm 2021 và Hiệp định Đối tác và Hợp tác Liên Âu-Việt Nam năm 2016, trong đó nêu rõ rằng tôn trọng nhân quyền là một "yếu tố thiết yếu" của quan hệ Liên Âu-Việt Nam. “Chính quyền Việt Nam đàn áp mạnh mẽ và sâu rộng quyền tự do ngôn luận và lập hội trái ngược với những gì họ đã cam kết với Pháp và Liên Âu”, Bà Bénédicte Jeannerod, giám đốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Pháp, cho biết. “Chính quyền đã bỏ tù ngày càng nhiều người ủng hộ dân chủ và những người bất đồng chính kiến và đang chống lại các cải cách cần thiết để tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền của họ”. Việt Nam có hơn 170 tù nhân chính trị đã bị buộc tội và kết án theo luật hà khắc, coi quyền tự do ngôn luận và hoạt động hòa bình vì nhân quyền và dân chủ là tội phạm. Chính quyền Việt Nam phần lớn đã không thực hiện các cải cách pháp lý mà họ đã cam kết thực hiện trong các hiệp định thương mại tự do và quan hệ đối tác. Chính quyền đàn áp mạnh tay các nhóm quyền độc lập, công đoàn lao động, phương tiện truyền thông, các nhóm tôn giáo và các tổ chức khác tìm cách hoạt động ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Khi ở Hà Nội, Tổng thống Macron nên công khai lên tiếng lo ngại về hồ sơ nhân quyền ngày càng tồi tệ của chính phủ Việt Nam và ra tín hiệu rằng việc họ không thông qua các cải cách có ý nghĩa sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ song phương, bao gồm cả về thương mại. Macron cũng nên gây sức ép với Tổng thống Tô Lâm về các tù nhân chính trị cụ thể, bao gồm Phạm Đoan Trang, Bùi Tuấn Lâm, Phạm Chí Dũng, Đặng Đình Bách, Lê Đình Lượng, Đinh Văn Hải, và Nguyễn Thái Hưng. Để biết thêm báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, vui lòng truy cập: https://www.hrw.org/asia/vietnam ___________________________
Bản dịch Việt ngữ của MLNQVN
[Trang nhà] [Về MLNQ] [Luật NQ] [Tài liệu] [Báo cáo NQ] [Giải NQVN ] [Diễn đàn] [Liên kết]
|